Nội dung chính trong bài viết
Giới thiệu đá Ruby – Hồng ngọc mà quên nhắc tới người anh em Sapphire – Lam ngọc thì quả là một thiếu sót lớn. Sapphire không những nằm trong nhóm 4 loại đá quý nhất, mà còn là một niềm tự hào của tiềm năng đá quý Việt Nam.
SAPPHIRE LÀ GÌ?
Nhóm Corundum là nhóm đá rất cứng (Độ cứng 9). Trong nhóm này, nếu đá đạt tới chất lượng ngọc thì có thể xếp vào 2 loại: Loại thuộc sắc đỏ được gọi là đá Ruby. Các màu sắc khác gọi là Sapphire.
Mặc dù Sapphire có rất nhiều màu sắc (Xem bảng màu Sapphire trên ảnh), nhưng người ta vẫn thường gọi Sapphire là lam ngọc, bởi màu xanh lam là màu giá trị nhất của Sapphire.
SAPPHIRE CÓ QUÝ KHÔNG?
Có. Sapphire là một trong bốn loại đá quý nhất, cùng với Kim cương, Ruby và Emerald (Ngọc lục bảo)
Lưu ý: Sapphire chỉ đắt khi có chất lượng ngọc, dùng làm trang sức. Còn Sapphire loại dùng để tạc tượng/quay vòng tay thì giá lại khá rẻ.
Từ xa xưa, Sapphire đã được coi như biểu tượng của sự thông thái, quyền lực, chiến thắng và sự công bằng. Người ta cho rằng, Sapphire làm cho con người trở nên bình tĩnh, chế ngự niềm đam mê. Đặc biệt “có sức mạnh” là những viên Sapphire sao, xuất hiện ba tia sáng cắt nhau trên bề mặt. Những viên đá này có liên hệ với các sức mạnh vĩ đại là niềm tin, hy vọng, tình yêu. Người ta cũng cho rằng nhẫn gắn Sapphire giúp cảm nhận được lời nói dối. Nó cũng có khả năng giúp con người tìm được mục đích trong cuộc sống, vựơt qua sợ hãi, lười biếng và sự vô công rồi nghề, đánh thức sự khát khao kiến thức.
VIỆT NAM CÓ SAPPHIRE KHÔNG?
Không những có, mà còn rất nhiều. Sapphire Việt Nam có thể tìm thấy ở những nơi như:
– Yên Bái: Yên Bái nổi tiếng về Ruby, nhưng Sapphire thì nhìn chung không có gì đặc sắc. Sapphire Yên Bái chủ yếu là hàng mài tròn giá rẻ.
– Nghệ An: Nghệ An từ xưa đến nay vẫn là mỏ cho chất lượng Ruby – Sapphire cao nhất cả nước. Sapphire Nghệ An có những viên trong vắt màu xanh Hero (Xanh biển đậm) – Màu sắc giá trị nhất của Sapphire. Tuy nhiên hiện tại trữ lượng gần như đã cạn kiệt.
– Bình Thuận, Lâm Đồng: Vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh này có những mỏ Sapphire chất lượng cao như Gia Nghĩa, Di Linh… Sapphire vùng này thường có màu xanh bích (lam pha lục), xanh chuối, vàng. Đặc biệt Sapphire ở đây có ánh mắt mèo trên bề mặt rất đẹp, do vậy ngay cả loại chất lượng bình thường cũng có thể tạc thành các linh vật phong thủy như mặt phật, rồng … và bán với giá khá cao.
– Đak Lak: Đây là vùng đất mới nổi về Sapphire. Mỏ Buôn Hồ có diện tích rất rộng, trữ lượng lớn, chất lượng cao, hiện tại lại chưa được chính quyền quản lý chặt. Do vậy mấy năm nay Sapphire Buôn Hồ được khai thác và cung cấp khá nhiều ra thị trường. Đặc biệt: Tại Buôn Hồ có loại Sapphire vàng màu đậm tự nhiên không cần xử lý nung nhiệt, rất hiếm gặp.
CÁCH ĐỊNH GIÁ SAPPHIRE
Sapphire được định giá dựa trên các yếu tố như khối lượng, độ trong, màu sắc … Ngoài những tiêu chuẩn tương tự các loại đá quý khác thì màu sắc là yếu tố quan trọng định giá Sapphire. Sapphire đắt nhất khi có màu Royal Blue (Hay tiếng Việt là xanh Hero). Các màu vàng, xanh bích, xanh chuối cũng thường gặp và giá trị khá cao. Những màu sắc khác nhìn chung ít gặp ở Việt Nam, và giá cũng thấp hơn so với Royal Blue (Xem hình minh họa)
Sapphire sẽ có giá trị hơn rất nhiều nếu khi soi đèn có hiệu ứng ngôi sao 6 cánh trên mặt đá. Sapphire sao thường là loại không thông đèn, mài tròn để hiệu ứng hiện lên rõ nét nhất (Xem hình minh họa)
PHÂN BIỆT CÁC LOẠI SAPPHIRE
Đại đa số Sapphire trên thị trường đều đã được xử lý nung nhiệt để tăng độ trong và làm màu sắc đậm hơn. Xử lý này rất bền vững và hầu như không ảnh hưởng tới giá trị viên đá.
Sapphire phủ thủy tinh được nung cùng với thủy tinh, để thủy tinh len vào các khe nứt, giảm rạn nứt, tăng độ bóng bề mặt. Loại này tương đối rẻ và độ bền kém.
Sapphire giả được làm từ nhựa, thủy tinh, thạch anh bắn màu. Những loại này thường có màu Royal Blue, trong vắt không tỳ vết. Nhìn chung khá dễ phân biệt bởi độ hoàn hảo bất thường, và giá thành quá rẻ so với Sapphire thật cùng chất lượng.
Thứ thường gây nhầm lẫn hơn cho khách hàng, đó là những loại đá có tính chất tương tự Sapphire:
– Royal Blue Sapphire: Rất dễ bị nhầm với Kyanite, Tanzanite, Iolite, Spinel xanh. Trong đó ngay cả mình cũng từng bị nhầm Kyanite là Sapphire mà không hề hay biết, cho tới khi đi kiểm định ở 2 trung tâm giám định mới vỡ lẽ.
– Sapphire vàng: Dễ nhầm với Beryl vàng, Citrine.
– Sapphire xanh lá: Dễ nhầm với Tourmaline, Peridot
Do Sapphire là đá quý giá trị cao, nên đừng ngại ngần đề nghị người bán cung cấp chứng thư giám định đá quý trước khi mua. Đa số người bán trung thực sẽ không e ngại vấn đề này.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Từ Sapphire rất hay bị viết sai, dẫn tới khó khăn trong việc tìm kiếm. Có thể là Saphir, Saphia, Saphire, sa-phia …
Sapphire và Ruby còn có một người anh em nữa rất hiếm gặp, đó là Padparadscha. Padparadscha là loại Corundum có màu cam phớt hồng. Loại này cực đẹp nhưng ít người biết. (Xem ảnh minh họa)
Sapphire là đá biểu tượng của những người sinh vào tháng 9 Dương Lịch
Sapphire cũng là đá biểu tượng của cung Xử Nữ
Nguồn bài viết: Chuyên gia Đỗ Quang Khánh (Mr.). Đá quý An An chỉ đăng lại với mục đích chia sẻ kiến thức. Thanks!