Trong các tiêu chuẩn đánh giá đá quý, kiểu mài cắt là yếu tố không thể bỏ qua.
Nếu viên đá thô ví như cô gái đẹp mộc mạc. Thì thợ mài cắt chính là nhà thiết kế thời trang, sẽ biết cách làm sao để cô ấy trở nên đẹp lộng lẫy và tỏa sáng nhất. Các bạn cùng An An tham khảo bài viết chuyên môn của anh Đỗ Quang Khánh nhé:
Đá trang sức thông thường được mài cắt theo 2 cách:
🔖 Với đá TRONG SUỐT, VD như Kim cương, Topaz, Citrine, Peridot … thợ sẽ tạo ra RẤT NHIỀU MẶT CẮT trên viên đá. Để ánh sáng khi chiếu qua khúc xạ và phản xạ liên tục trên các bề mặt, tạo hiệu ứng lấp lánh (Hay quen gọi là LỬA của viên đá). Cách này được gọi là MÀI FACET
🔖 Với đá BÁN TRONG/ĐỤC, đá có HIỆU ỨNG QUANG HỌC hoặc CÓ VÂN (Ngọc phỉ thúy, Ruby sao, Mã não, Thạch anh tóc …) thường sẽ mài bóng bề mặt thành dạng hình vòm trơn, mặt dưới phẳng hoặc hơi cong nhẹ, gọi là MÀI CABOCHON. Cách mài này giúp tôn lên độ mịn bóng của đá, và dễ dàng quan sát hiệu ứng, cũng như vân đẹp bên trong lòng đá.
———
Nếu mài Cabochon khá đơn giản, bạn chỉ cần quan sát tổng quan khối có cân đối hay không, bề mặt có được đánh bóng kỹ không là đủ. Thì ngược lại, mài Facet khá phức tạp. Bạn cần có kiến thức về hình dạng và kỹ thuật mài, để tránh mua phải hàng cắt Facet kém chất lượng.
Một viên đá cắt Facet gồm có 3 phần chính: Phần vương miện (Crown), Đường đai viền (Girdle), Phần nón (Pavilion) (Xem hình minh họa). Trong khi phần vương miện và nón có rất nhiều giác cắt để tạo độ lấp lánh, thì phần viền thường được mài trơn để tạo độ bám khi thợ kim hoàn làm ngàm/chấu giữ viên đá trên ổ trang sức vàng/bạc… Ngoài ra đối với kim cương, mã số có thể khắc laser lên đai viền để phân biệt từng viên.
Dưới đây là 3 yếu tố chính bạn cần quan tâm với một viên đá Facet:
🔖 ĐÁY: Chiều cao viên đá (Hay Việt Nam quen gọi là “đáy”) sẽ quyết định viên đá lấp lánh ở mức nào. Viên đá mài chuẩn đáy sẽ phản xạ hầu hết ánh sáng qua các mặt cắt về mắt người nhìn, tạo cảm giác lấp lánh nhất. Ngược lại, đáy quá dày làm đá bị tối đi. Còn nếu đáy quá mỏng, ánh sáng nhanh chóng thoát ra ngoài, không phản xạ lại, khiến viên đá nhìn rất “buồn”, kém lấp lánh.
🔖 GIÁC CẮT: Thợ cắt tay nghề kém thường mắc các lỗi như giác cắt không giao nhau tại 1 điểm, các tầng giác cắt đáy không song song nhau, viền không đều, rìa mặt cắt bị mẻ
🔖 CÂN ĐỐI: Viên thô rất ít khi hoàn hảo, mà thường móp méo, rạn nứt, khuyết góc … Do đá trang sức thường bán theo cân nặng (ct), nên nhiều trường hợp thợ chấp nhận cắt lệch để thành phẩm … TO NHẤT có thể. 2 kiểu lệch hay gặp là “Vẹo xương sống” – Khi nhìn ngang thấy phần đáy bị vẹo trái/vẹo phải, hoặc “Bụng phệ” – Phần đáy bị phình xuống dưới 1 cách bất thường. (Xem hình minh họa)
Về hình dạng & kiểu cắt, có tới hàng trăm dạng khác nhau. Hẹn các bạn ở 1 bài khác nhé.